Ngoài chuẩn bị đầy đủ cần, máy, dây, mồi, lưỡi, những loại cần câu nhẹ nhất, khoen tốt nhất, máy câu đời mới nhất, bạc đạn nhiều nhất, dây bện 8-10 sợi, mồi Jig của hãng tên tuổi, đã tìm hiểu hình ảnh và video hướng dẫn chi tiết; nhưng trước khi lên thuyền đi câu, hãy nán lại để bỏ túi 11 lời khuyên sau đây giúp bạn câu Light Jigging hiệu quả:
1. Để mồi sống ở nhà khi đi câu Light Jigging
Nếu bạn nghĩ rằng “cẩn tắc vô áy náy” mà mang vài con mồi thật để phòng “lỡ cá nó không ăn mồi giả”, thì khả năng cao trong cả chuyến đi câu bạn sẽ bỏ mồi jig mà chỉ dùng mồi thật. Điều đó gây tốn kém, thay vào đó, chỉ mang theo mồi Jig mà thôi.
Bạn sẽ không có cơ hội ngó ngàng tới mấy con mực, mấy con cá ngân, cá đổng nữa. Chỉ có Jig và Jig mà thôi. Đừng nản chí nếu ban đầu cá chưa đớp mồi. Hãy kiên trì, jig cành nhiều, càng lâu cơ hội cá tấn công jig càng tăng.
2. Mang theo máy tầm ngư khi đi câu Light Jigging
Biển cả bao la, nước thì sâu, ánh sáng khó tới, bạn không thể biết chính xác cá ở chỗ nào. Máy tầm ngư là một dụng cụ rất hữu ích. Nó cung cấp rất nhiều thông tin như độ sâu, cấu trúc đáy và quan trọng nhất là nó báo có cá hay không.
Nhìn vào máy tầm ngư, bạn dễ dàng thả con Jig vào đúng vị trí, độ sâu chỗ bầy cá đang tụ tập. Điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian đi lòng vòng tìm kiếm điểm câu.
3. Sử dụng dây Jig nhỏ nhất có thể
Một sợi dây câu có đường kính nhỏ sẽ ít bị cản nước hơn sợi dây lớn, điều này ai cũng biết. Cộng thêm 1 đặc tính là với dây nhỏ bạn điều khiển con Jig tốt hơn đặc biệt khi dòng chảy tăng nhanh.
Có thể bạn sẽ đụng phải “khủng long” và dễ bị bị đứt dây hơn, nhưng bạn có chắc chắn 100% là sẽ bắt được con cá lớn đó với sợi dây lớn hơn? Khá chắc rằng thà để cá đớp mà đứt dây, vẫn thú vị hơn nhiều là ngồi cả buổi mà không có con cá nào ngó ngàng đến bạn.
Dây đường kính lớn thì cản nước nhiều, nhưng với dây nhỏ bạn sẽ dễ dàng thả con Jig xuống tới nơi có cá. Con Jig không bị trôi xa ra chỗ khác nếu đem so với dây lớn. Thời buổi câu cá khó khăn, cá trở nên hiếm và dường như khôn hơn, bạn nên cân nhắc tới việc giảm kích cỡ dây chính (leader) và dây thẻo.
4. Hãy dùng dây thẻo Fluorocarbon (leader)
Cá nhát dây? Có thể lắm. Dây Fluorocarbon có độ khúc xạ ánh sáng dưới nước thấp hơn dây mono thông thường, nói cách khác dây Fluorocarbon dễ dàng hòa lẫn với màu nước, ít bị cá thấy hơn.
Dây Fluorocarbon có chất lượng tốt sẽ chống cắt cứa tốt, chịu lực tốt nhưng mềm mại.
Dây thẻo (leader) lớn cỡ bao nhiêu là đủ? Điều này tùy thuộc vào 2 yếu tố, loại cá sẽ câu và địa hình nơi câu như thế nào. Nếu mục tiêu là các loại cá môi mềm, răng không sắc như Bè Lão, bạn có thể dùng dây thẻo Fluorocarbon cỡ 15-20lb. Các loại cá này không ở hang, khi dính câu không chui vào rạng để cắt dây.
Nếu mục tiêu là những loại cá sống ở hang và chui rạng như Mú, Hồng Bạc, Bớp, bạn phải tăng sức chịu lực của dây thẻo (leader) lên cỡ 25-30lb hoặc lớn hơn nữa.
5. Chọn mồi Jig phù hợp
Sẽ lợi thế hơn nếu bạn tìm hiểu kỹ chuỗi thức ăn (cá mồi) của từng vùng cá để chọn ra màu sắc, hình dáng con mồi Jig phù hợp. Ví dụ, nếu thấy ngư dân kéo chạy cá thu bằng mồi cá ngân thì bạn nên chọn con mồi có màu sắc, hình dáng gần giống cá ngân.
Nếu “ngược sóng” mà chọn màu cá đổng, sẽ ít nhạy cá hơn. Giống như vậy, nếu thấy câu được bè lão bằng mồi mực, thì con Jig cũng phải có hình dạng, màu sắc phù hợp. Chịu khó để ý xung quang 1 chút bạn sẽ tìm ra sự khác biệt. Không ai có kinh nghiệm hơn những ngư dân bản xứ.
6. Hiểu cách con mồi Jig chuyển động (action)
Chọn màu sắc, hình dạng mồi Jig chỉ là vế thứ nhất. Hiểu cách mồi Jig chuyển động như thế nào để thao tác cho đúng mới là vế quan trọng để thành công.
Mỗi loại mồi được thiết kế, chế tạo để có chuyển động riêng, có loại chỉ quay máy thu dây liên tục (retrieve), có loại vừa giật cần vừa thu dây (jerk), có loại nhấc cần lên cho rơi xuống (falling). Jig nhanh (speed jig) là nhằm đánh thức bản năng săn mồi của các loài cá hung dữ như Bè Trang, Cá Thu. Loài này thích săn đuổi các loài cá mồi nhỏ nhút nhát hay chạy trốn.
7. Mỗi loại cá có kiểu ăn khác nhau
Bạn không thể câu được tất cả các loại cá chỉ với 1 kiểu câu Jig. Cá thu, Bè Trang ăn tầng nước lửng trên cao, tốc độ Jig phải nhanh. Cá Mú, Hồng Bạc thích jig chậm và ăn sát đáy. Trong khi Cá Bè Đốm, Bè Hoác thường ăn ở tầng nước cao hơn một chút.
Tùy theo từng loại Jig, loại cá, mà bạn có thao tác phù hợp, giật cần nhanh hay chậm, dài hay ngắn, thu dây ít hay nhiều, nhóng lên xuống để mồi rơi tự do.
8. Thả trôi hay neo khi câu Jig
Tùy địa hình nơi câu, rạng lớn, trải dài hay rạng nhỏ, co cụm mà bạn quyết định thả trôi hay neo. Nên hỏi ý kiến thuyền trưởng về địa hình trước vì họ rất rành chỗ câu. Nếu rạng lớn và trải dài nên câu thả trôi, cơ hội tiếp cận cá nhiều hơn. Nếu rạng nhỏ và cá chỉ tụ tập xung quanh những cục rạng (đá) thì nên neo lại thả câu sẽ chính xác hơn. Vì khi tàu trôi qua điểm tức là lệch điểm cá không ăn.
9. Vị trí nào câu tốt nhất trên tàu
Nếu đi nhiều bạn sẽ biết vị trí nào tốt. Nếu tàu neo lại, vị trí tốt nhất là sau lái và 2 bên mạn hông cabin. Nếu thả trôi thì sau lái và trước mũi là 2 vị trí tốt nhất.
Ví dụ như lúc tàu thả trôi tại rạng, lúc này điểm nằm ngay dưới máy dò cá hoặc lùi về phía sau đít ghe tùy theo cảm nhận của thuyền trường về thủy triều nhanh hay chậm. Nếu điểm nằm sau đít ghe thì vị trí tốt nhất là sau lái, bạn có thể thả mồi jig (Vertical Jig) theo chiều thẳng đứng, hất mồi Jig ra xa hoặc bên trái bên phải (Casting Jig) chờ mồi Jig xuống tới đáy rồi thao tác mồi Jig.
Kế tiếp là trước mũi, các bạn cũng có thể thả Jig (Vertical Jig) hoặc quăng Jig về phía mũi và về phía lái chờ Jig chạm đáy rồi thao tác Jig. Điểm xấu nhất là bên mạn hông.
Câu thả trôi chỉ phù hợp với những nơi có bãi rạng san hô dày đặc, thuyền trường sẽ nhìn hướng gió và hướng nước chảy cho thuyền trôi theo dọc theo bãi rạng. Cần chú ý vị trí thả câu phải bao quát, chú ý tốc độ trôi của tàu.
Trường hợp bạn quăng gần và tàu trôi quá nhanh, dây sẽ bị cứa vào sống tàu hoặc nếu quăng quá xa và tàu trôi chậm, bạn sẽ Jig theo phương xéo (Horizon Jig)
Quăng jig ra xa hoặc thả ngay đầu cần tùy theo cảm nhận của bạn về tốc độ dòng chảy. Làm sao để Jig không trôi qua chỗ bạn ngồi và dây bị cứa vào sống tàu.
10. Chọn con nước phù hợp
Thủy triều luôn thay đổi, lúc nhanh lúc chậm và có thời điểm nước đứng tùy theo từng vùng. Chọn đúng con nước là một cách khôn ngoan để chơi Jig hiệu quả. Luôn luôn hỏi Thuyền Trưởng các thông tin như nước lên, xuống, giờ nước đứng lúc mấy giờ, có trăng hay không trăng.
Khi câu được cá bạn nên ghi nhớ lại giờ cá ăn rộ, điều này rất quan trọng để rút kinh nghiệm cho buổi câu ngày kế tiếp. Vài lần như vậy, bạn sẽ có thể quyết định được thời điểm tốt nhất để đi câu.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm Lịch thủy triều hoặc tìm các ứng dụng xem lịch thủy triều trên mạng.
11. Hãy kiên nhẫn
“Ngồi lâu câu bền”, câu cá không dành cho những người không biết kiên nhẫn và nóng vội. Khi cá không tấn công Jig, đừng vội nản hãy nghỉ 1 chút và tìm hiểu nguyên nhân tại sao.
Sau đó tiếp tục cuộc chơi, đôi lúc dòng chảy chỉ cần thay đổi 1 chút sẽ khiến cá ăn rộ. Chỉ cần lên được 1 con cá, sẽ là động lực tốt giúp bạn và cả nhóm lấy lại hưng phấn để Jig không biết mệt.