Dân câu và chủ hồ cá – “Cuộc chiến không hồi kết”

Ở một số hồ câu, chủ hồ thì muốn giữ cá, dân câu thì muốn “khoắng” càng nhiều cá càng tốt. “Cuộc chiến dân câu và chủ hồ” dai dẳng này nổ ra với nhiều mánh khoé ngày càng ly kỳ hơn, chưa rõ bên nào sẽ thắng nhưng ý nghĩa câu cá giải trí ban đầu đã không còn.

Dân câu và chủ hồ cá

Dân câu ủ mưu

“Bây giờ đi câu mà không có vài mẹo… lừa chủ hồ thì đừng hòng có cá to mang về, cùng lắm chỉ được vài chú rô phi hay trắm còi thôi” – một dân câu tên Đ. chúng tôi vừa quen phán xanh rờn một câu để mở đầu câu chuyện.

Muốn câu được cá ở hồ, “dân câu” cũng phải có mánh…

Nhấp một ngụm nước chè trong một cái chén cáu bẩn, Đ. kể: “Hồi đầu mới tập toẹ vác cần đi câu, tôi chỉ nghĩ là đi câu để kiếm cớ uống bia với mấy ông bạn cho vui thôi. Có được cá mang về hay không, không quan trọng”.

“Thế rồi sau vài buổi “mất tiền oan” chả được con cá nào bự bự một chút mang về cho vợ con làm tí cải thiện, tôi đâm chán và định bẻ cần rồi đấy. Đã vậy, thấy mình đi câu mấy buổi liền, về nồng nặc mùi bia mà không có chiến lợi phẩm. Con “sư tử Hà Đông” còn nghi tôi nói dối đi câu để đi “karaoke tay vịn” nên cũng đã ầm ĩ nhà cửa mấy trận”.

“Tức mình vì bị cạnh khoé “có tiếng mà không có miếng”, tôi quyết cắp tráp theo mấy ông anh “thợ câu” để học nghề kiếm cá về cho “mẹ bổi” ở nhà biết mặt. Sau vài buổi theo hầu các “sư phụ”, tôi mới ngã ngửa ra rằng, muốn “ăn” được cá của chủ hồ cũng kỳ công lắm chứ không chỉ đơn giản là vác cần xịn, mồi ngon đi câu”. Đ. chốt.

H. “gà” – một dân câu dày dạn kinh nghiệm tiết lộ: “Năm ngoái nghe anh em trong “làng câu” có kể chuyện một hồ bên Lệ Mật (Long Biên) mới mở, nhiều cá to nhưng chưa ai câu được con nào trên trung bình. Nên tôi quyết xách cần… đi càn”.

“Phải mất hơn 1 tuần uống bia suông, thả thính câu chơi để rình lúc chủ hồ cùng đám nhân viên đi ăn tối. Tôi giả vờ bị đứt cước, lưỡi câu “xịn” rơi dưới hồ để lội xuống mò. Bì bõm dưới hồ một lát, tôi dùng tay khoét được 1 cái hố kha khá rồi lên bờ, thả thính câu tiếp như thường”.

“Chiến lợi phẩm kiểu này so với đám câu chuyên nghiệp vẫn chẳng thấm tháp gì”.

“Sau đó, mất thêm vài ngày chỉ ngồi câu ở một vị trí đó, ném rất nhiều thính và mồi ngon xuống khu vực cái hố đã khoét để dụ bọn cá to đến… “ăn chùa” cho quen mui. Rồi vào một ngày trở trời, biết cá sẽ đi ăn muộn nên chiều tối tôi mới xách cần ra hồ để… “gặt”.

“Công sức của gần 2 tuần “thí mạng” cũng được đền đáp bằng 4 con chép cỡ 3 – 4kg, 3 con trắm nặng cỡ 5 – 6 kg/con và gần chục cân cá rô phi to cỡ bàn tay người lớn. Hôm đó mang “chiến lợi phẩm” về chia cho anh em, ai cũng phục lăn!”. H. gà tấm tắc.

Ban ngày thì sửa chữa xe máy, vợ con đều ở quê hết nên V. – thợ xe kiêm “rái cá” cười hềnh hệch: “Trước bọn tớ hay sang Đông Anh câu, biết gã chủ hồ có máu “tá lả” nhưng lại chơi dốt nên cứ khi nào sang đó câu, bọn tớ lại cắt cử 2 thằng ra oánh tá lả để cầm chân chủ hồ, số còn lại xách cần ra hồ”.

“Cứ khi câu được cá, con to thì bọn tớ cho vào 2 cái giỏ chung, những con bé cho vào một cái giỏ khác để “có cái mà đem ra khỏi cổng hồ câu”.

Đến khi thấy được kha khá cá to rồi, bọn tớ rình lúc nhá nhem không ai để ý quẳng luôn 2 giỏ cá to qua hàng rào, sau đó xách giỏ cá bé đàng hoàng ra cổng tính tiền. Vài lần như vậy là trong hồ hết sạch cá to, gã chủ hồ lại phải mua thêm bỏ vào mà chẳng biết những con thả vào trước đó đi đâu mất”.

Dân câu và chủ hồ cá

Chủ hồ… xót cá

Tất tật từ anh mới tập toẹ vào “làng câu” cho tới những gã dân câu “rái cá”, khi đã xách cần ra khỏi nhà đều hy vọng buổi câu đó sẽ được nhiều cá to, cá bự để có cuộc rượu hoành tráng với anh em, bạn bè nên anh nào cũng “dắt lưng” ít nhiều mánh khoé.

Để “đối phó” và hạn chế “tổn thất” vì cá to bị xách ra khỏi hồ, nhiều chủ hồ câu cũng đã tự mày mò, “ngâm cứu” ra những tuyệt chiêu xua cá tránh xa lưỡi câu.

Không ít “độc chiêu” đã được chủ hồ câu áp dụng để dân câu chỉ bắt được những chú cá nhỏ!

1. Mánh đầu tiên và “cổ điển” nhất đó là cho cá ăn đẫy bụng. Thôi thì từ cám lợn, thức ăn cho cá đến đủ thứ linh tinh tất tật đều được các vị chủ hồ câu quẳng xuống hồ. Cốt để cho lũ cá ăn thật nhiều và tránh xa lưỡi câu.

2. Có chủ hồ còn kỳ công cứ vài tuần lại bắt nhân viên đi mua nguyên một bọc da trâu, da lợn về để đêm khuya bơi ra giữa hồ, buộc vào cái cọc được chôn ngầm dưới đáy bùn.

“Kỳ công đến thế mà cũng chỉ “chống” được mồi bánh mỳ, khoai lang của dân câu nghiệp dư thôi. Chứ còn đối với “dân câu rái cá” thì cá trong hồ vẫn dính lưỡi và bị xách ra khỏi hồ như thường, bởi thức ăn mình ném xuống không thể ngon, hấp dẫn bằng mồi “đặc chủng” của dân câu”.

“Không ít lần tôi cũng phải vào vai “dân học câu cá” học lỏm cách chế biến mồi của họ, để về chế biến thức ăn cho cá nhưng rồi… cũng chỉ được một thời gian” – Anh Hải, chủ của một hồ câu có tiếng ở Thường Tín – Hà Nội than thở.

Dân câu và chủ hồ cá

Dân câu và chủ hồ – Khắc chế lẫn nhau

Ở bất cứ hồ câu nào, khi chủ hồ có một mánh khoé giữ cá thì trước sau kiểu gì dân câu cũng tìm ra cách “khắc chế”.

Anh Hải kể: “Dân câu họ tinh quái lắm, câu vài buổi mà không thấy ai được cá to là họ nghi ngay. Nếu phát hiện hồ câu nhà mình không có cá to hay “có bài” xua cá là họ rủ nhau cạch mặt, đến nước đó thì chủ hồ chỉ còn nước “bán xới” đi chỗ khác làm ăn. Vậy nên làm gì cũng phải khéo!”.

3. Và sự “khéo léo” đến mức điêu luyện của đám chủ hồ câu: đó là trong kho của nhà chủ bao giờ cũng thủ sẵn vài gói đất đèn.

G. – một “rái cá” nói phũ phàng: “Đi câu ở những hồ câu thả nhiều cá to, hồ lại trồng nhiều cây ăn quả xung quanh thì coi chừng, không nên ngồi câu ở những nơi nhiều bèo, có bóng mát mà cá vẫn thường hay tụ tập bởi những vị trí đẹp ấy rất dễ bị chủ hồ “thả thuốc”.

“Chỉ cần một viên đất đèn cỡ móng tay ném xuống thì có ngồi câu cả tuần cũng chỉ được vài “em” riu riu cá cờ” đến rỉa mồi thôi, chứ cá to không bao giờ thèm bén mảng tới trong phạm vi vài mét nước”.

4. Áp dụng chính chiêu “đào hố” làm ổ cá của “dân câu” H. gà ở trên. Nhưng lần này để chống mất cá, không ít chủ hồ khi khoét đất làm hồ câu đã yêu cầu thợ đào thêm vào “hố đấu” nho nhỏ nằm ngoài tầm cần rồi cũng thả thức ăn xuống đúng những vị trí ấy để đám cá to khi đói chỉ việc “tới là có ăn”.

”Gặp hồ có nhiều hố đấu thả thức ăn thì hoạ hoằn lắm mới có “thợ câu” dính được cá bự, còn hầu hết người đến câu chỉ có nước xách cần về không” – Anh HKML. – một người mê câu cá khẳng định.

Nhưng dân câu và nhất là những thợ câu “chuyên nghiệp” cũng chẳng phải vừa. Phát hiện thấy một hồ câu nào đó có biểu hiện “đào hố đấu”, “thả đất đèn”. Ngoài chuyện rỉ tai để đám bạn câu cạch mặt chủ hồ, đã có những gã “thợ câu” chấp nhận vài buổi “mất tiền ngu” đến “ngồi đồng” rình cá.

Và một ngày đẹp trời nào đó, khi chủ hồ câu và nhân viên thức dậy, cá chết nổi trắng hồ, mùi thuốc trừ sâu nồng nặc mặt nước, còn “những tay câu gà mờ” mấy hôm trước vẫn đến thì từ đó lặn mất tăm. Gặp cảnh hồ bị ném thuốc sâu, chủ hồ chỉ còn nước… kêu trời rồi lặng lẽ vớt cá, tát nước, phơi ải hồ một thời gian dài để khử độc rồi mới dám tiếp tục mở cửa lại.

Ở bất cứ hồ câu nào, khi chủ hồ có một mánh khoé giữ cá thì trước sau kiểu gì dân câu cũng tìm ra cách “khắc chế” và ngược lại. Cứ như thế, “cuộc chiến” giữa dân câu và chủ hồ luôn dai dẳng và căng não.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

086 793 7997