Cá bông lau là một loài cá thuộc chi Cá tra và sự thực ngoại hình của chúng rất giống nhau. Loài cá này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á bán đảo trong các lưu vực sông.
Đây là giống cá da trơn, sinh trưởng trong môi trường nước lợ, với chế độ ăn uống cực kỳ đặc biệt. Cá bông lau mặc dù là cá sông, nhưng không phải ở bất cứ đoạn sông nào, ta cũng có thể bắt gặp được nó.
Theo các cần thủ lâu năm, chỉ những khúc sông rộng, nước sâu mới có nhiều cá bông lau tụ tập. Bởi chúng có thói quen đi ăn theo đàn: đàn nhỏ chừng ba bốn con, đàn lớn lên tới cả chục con.
Sống chung với cá bông lau còn có nhiều loại khác như cá tra, cá thiều, có con nặng cả chục ký. Cá bông lau ăn nước chìm hay nổi còn tuỳ vào nhiệt độ nước. Tuy nhiên thói quen của chúng vẫn là ăn nước chìm. Vì vậy, người đi câu phải nắm rõ trong lòng bàn tay tập tính này, để điều chỉnh mồi cho đúng.
Mồi câu cá bông lau hết sức đa dạng nhưng không phải cái nào cũng hấp dẫn được chúng, nên hôm nay, BigFishing sẽ giới thiệu cho các cần thủ về một cách chế mồi cá bông lau hiệu quả.
Bí ẩn về cá bông lau
Trước khi câu bất kỳ loài cá nào bạn cần biết về chúng, nơi sinh sống, tập quán ăn, ở, và cách chúng di chuyển. Biết được những điều này cộng với kỹ thuật câu, kinh nghiệm và dĩ nhiên với một chút may mắn nữa, bạn có nhiều cơ hội tiếp cận và thắng lợi trong mỗi lần “ra quân”.
Cá bông lau thuộc họ cá da trơn, cùng họ với cá tra, basa. Nhiều người lần đầu nhìn thấy cá bông lau cứ tưởng là cá tra hay basa. Nhưng nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy cá bông lau có cái đuôi màu vàng thay vì xanh như cá tra, basa.
Cá bông lau sống ở vùng nước lợ, vùng nước nhiễm mặn tiếp giáp giữa sông và biển. Nó sinh sản tự nhiên và không thể nuôi hay nhân giống như cá tra hay basa. Vì là cá tự nhiên nên thịt nó ăn ngon hơn hẳn các lọai cá được nuôi trồng khác.
Sự hiếm có này khiến giá của nó đắt hơn các loại cá cùng họ và có lẽ cũng là lý do người ta thích săn bắt chúng. Có một điều lạ là cho đến giờ mọi người vẫn không biết được cá bông lau sinh sản như nào. Chỉ biết rằng vào mùa sinh sản, chúng sẽ quay ngược về phía cửa sông và đẻ trứng.
Nhưng theo lời những người dân địa phương thì họ chưa bao giờ bắt được một con cá nào có trứng cả. Qua mùa sinh sản, chúng lại từng đàn đi sâu vào sông ngòi. Càng vào sâu chúng càng lớn dần và có xu hướng đi riêng rẽ.
Thời điểm câu cá bông lau
Hiểu được tập quán di cư này mà cách câu Cá Bông Lau hình thành nên hai mùa câu riêng biệt đó là “câu đón” và “câu xổ”.
- Câu đón: là khi con cá bông lau sinh sản xong kéo theo cả họ hàng đi sâu vào sông ngòi. Người ta nói rằng nó bị xót con mắt vì thời điểm này là mùa khô (tháng 1 đến tháng 6), nước sông thấp hơn mực nước biển nên độ nhiễm mặn cũng cao hơn.
Vào mùa này bạn sẽ có nhiều cơ hội bắt được cả đàn cá, “trúng mánh” ngay cả khi chỉ câu một chỗ và chỉ trong một con nước. Một chục con là vô cùng easy. Đi câu mùa này cũng đỡ cực hơn vì không phải đi quá xa, có khi phải ra rất gần cửa biển như mùa câu xổ.
- Câu xổ: là khi mùa mưa đến khoảng tháng 6 đến tháng 11 (trong Nam), lúc này do mưa nhiều nên nước sông ngọt dần và con bông lau lúc này đã béo ú căng tròn. Chúng di chuyển dần ra biển. Đi câu mùa này cái thú là bạn sẽ đi xa hơn và qua đó cảm nhận được thiên nhiên.
Lẽ dĩ nhiên sóng gió cũng rất nhiều. Lúc này khả năng trúng mánh rất thấp, nhưng nếu may mắn thì một con cá to thực sự là phần thưởng đáng mơ ước. Cá lớn lại có xu hướng đi riêng rẽ và ghe thuyền phải di chuyển rất nhiều để săn chúng.
- Điều này làm thử thách đi câu tăng level về độ khó. Những con bông lau còn sót lại sau hai mùa câu đón và câu xổ lại trở về cửa biển và thực hiện bản năng sinh sản tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Thời điểm này coi như hết mùa đánh bắt.
Nếu bạn đi câu mùa này cũng có khả năng bắt được chúng mặc dù xác suất rất thấp. Cá bắt được mùa này gọi là “cá ở” tức là cá không quay về nguồn do lạc đàn hoặc có thể chúng không muốn. Bông lau đi ăn hay trú ẩn theo những luồng lạch. Vì chúng sống nơi nước chảy, đặc biệt là nơi nước chảy mạnh nhất.
Nơi nước sâu và được hình thành do đặc tính uốn lượn của con sông lâu ngày tạo nên sự xói mòn cũng là nơi cá thích trú ẩn.
Một khúc sông tùy theo lớn hay nhỏ, thẳng hay khúc khuỷu mà số lượng vùng này cũng khác nhau. Chỉ có chủ thuyền hay dân địa phương là người biết rõ vị trí. Các cần thủ cần nương nhờ vào kinh nghiệm và sự hiểu biết này mà neo ghe thả câu cho chuẩn.
Ta cũng phải đổi sang nơi khác khi không có cá một cách thường xuyên. Đặc biệt, nếu chỗ ta thả câu nằm gần đầu đầu ngã 3 sông hoặc những nơi có vùng xoáy, thì xác suất câu được rất cao.
Từ loại mồi ưa thích của cá bông lau
Trùn biển – là loại thức ăn mà cá bông lau thích nhất. Để làm mồi sống bằng loại trùn biển này bạn có thể làm các bước như sau.
- Bước 1: Bứt bỏ đầu con trùn biển để tránh việc chúng tự phân thân thành nhiều mảnh.
- Bước 2: Bạn móc lưỡi câu từ đầu trùn, nơi bạn vừa bứt bỏ. Nếu móc lưỡi câu từ đuôi thì trùn biển cũng sẽ tự phân thân thành nhiều mảnh. Bạn kéo cho con trùn dài hết toàn bộ phần lưỡi câu để cá không phân biệt được phần lưỡi và dễ dàng cắn câu.
Nếu không có trùn, bạn có thể dùng thịt bò thái con chì để làm mồi.
Một loại mồi nữa bạn cũng có thể sử dụng là ruột vịt phơi nắng cho se lại và bốc mùi.
- Bước 1: Bạn cắt phần ruột vịt thành khúc dài cỡ gần gang tay, sau đó móc vào lưỡi và để chúng lòng thòng, trông như trùn biển.
- Bước 2: Khi xuống nước, đoạn mồi sẽ lòng thòng như đang vẫy, thu hút cá bông lau.
Đến loại mồi bạn chưa hề nghĩ tới
Vâng đó là gián. Bạn hãy bắt vài con và nuôi thì sẽ tha hồ có mồi sống để câu bông lau.
- Bước 1: Bắt gián: Ta chuẩn bị 1 ít nước đường, 2 thanh ván dài, may lưới chắn phía trên để làm nắp đậy. Vào buổi tối đi quanh mấy nắp hố ga, nhét 2 thanh ván đã quét nước đường vào. Gián sẽ bu vô ăn nước đường thì rút thanh ván ra bỏ vào lồng nhốt.
- Bước 2: Nuôi gián: Nghe thôi đã thấy hơi ghê. Nhưng bọn này khá dễ nuôi.
Gián đem về nuôi cho ăn thêm phô mai để tăng thêm mùi hôi. Chúng kỵ gió nên để ở nơi tối, không có gió lùa. Nên cho thêm một ít giấy báo vào lồng.
Nhớ vò giấy báo để tạo thành những hình khối giúp gián trèo lên và ăn nếu đói. Ngoài ra cũng giúp hút chất thải của các con gián thải ra. Nhờ vậy gián sẽ sống được lâu hơn. Từ 1 hoặc 2 ngày nhớ phun ít nước vào lồng cho chúng, nhưng tránh làm cho giấy báo bị ướt quá.
Lưu ý không nên cho gián ăn chất tinh bột như cơm, sắn, khoai, … vì gián sẽ có mùi như tinh bột lên men kém hấp dẫn.
Khi di chuyển nên bịt thùng đựng dán bằng giấy báo để tránh gió.
- Bước 3: Chuẩn bị mồi câu:
Cánh gián sẽ phất phơ trong nước nên chỉ chọn những con gián có cánh để câu. Tuy nhiên nếu đã hết mồi rồi thì bạn lấy cả những con rụng cánh cũng được. Khi ngâm quá lâu mà chưa cắn câu thì phải thay mồi khác vì gián hết mùi sẽ càng kém hấp dẫn cá.
Bạn phải sử dụng luỡi túm để câu bằng mồi gián, nhưng đầu dây túm thừa ra từ lưỡi câu phải được cắt sát và xéo theo chiều lưỡi câu. Làm vậy để ruột gián không bị xổ ra khi móc mồi.
Móc từ cổ xuống bụng con gián. Mỗi lưỡi móc từ 3-5 con tùy vào luợng mồi mang theo, nước chảy mạnh hay yếu.
Các loại mồi thú vị khác
Ngoài ra, cá bông lau còn thích một số loại mồi khác như: con hà đỏ (có nơi gọi là “con sâu lá”),…
Những kinh nghiệm ở trên có thể đúng với vùng này, nhưng có thể không đúng tại vùng khác. Câu cá là để giải trí nhưng cũng cần một sự đầu tư nghiêm túc, lòng kiên trì, niềm đam mê cộng với sức chịu đựng khắc khổ và dĩ nhiên là một chút kinh phí nữa.
Nếu bạn có đầy đủ những yếu tố trên thì BigFishing tin chắc rằng những chú cá bông lau đuôi vàng – đã làm say mê bao người, sẽ dễ dàng được bạn chinh phục.